Trang bị Bảo hộ lao động cá nhân ( Personal Protective Equipment – PPE) bao gồm quần áo bảo hộ lao động, kính bảo hộ lao động, mũ bảo hộ lao động … hoặc các trang thiết bị khác được thiết kế để bảo vệ cơ thể người lao động khỏi các chấn thương trong công việc. Trang bị bảo hộ lao động cá nhân sẽ bảo vệ bạn khỏi các mối nguy cơ bên ngoài như vật lý, điện, nhiệt, hóa chất, dịch bệnh hoặc ô nhiễm không khí. Ngoài việc được sử dụng trong các công việc liên quan đến an toàn sức khỏe nghề nghiệp, trang bị bảo hộ cá nhân còn được sử dụng trong thể thao hoặc các hoạt động giải trí.
Mục đích của việc sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân là để giảm thiểu sự tiếp xúc của người lao động với các nguy cơ xảy ra ngoài tầm kiểm soát nhằm giảm sự rủi ro xuống mức thấp nhất có thể. Trang bị bảo hộ cá nhân có một giới hạn là nó không thể giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây ra nguy cơ, và có thể người lao động sẽ gặp nguy hiểm nếu như các trang bị này bị hỏng, lỗi.
Những trang bị này cũng có thể gây ra cản trở, gây khó chịu trong công việc của người lao động, vì thế với một kế hoạch hướng dẫn sử dụng và giám sát tốt sẽ giúp người lao động đảm bảo điều kiện làm việc an toàn lành mạnh thông qua việc sử dụng đúng trang bị bảo hộ lao động cá nhân.
Trang bị bảo hộ lao động cá nhân được phân loại theo các phần của cơ thể cần được bảo vệ. Một trang bị đơn lẻ có thể cùng lúc sử dụng cho nhiều chức năng. Ví dụ như 1 đôi giày bảo hộ lao động: có mũi thép bảo vệ ngón chân và lót thép bảo vệ bàn chân khỏi việc bị nghiền nát hay đâm xuyên, đế cao su không thấm nước để bảo vệ đôi chân khỏi nước và hóa chất, tăng khả năng chịu nhiệt và còn có thể cách điện. Các thuộc tính của trang bị bảo hộ lao động phải được sử dụng phù hợp với từng loại công việc. Một số cách phân loại cơ bản:
1 – Các loại mặt nạ: Mặt nạ được sử dụng để bảo vệ người lao động khỏi hít vào các chất ô nhiễm trong không khí, bảo vệ sức khỏe đường hô hấp của con người. Có hai loại chức năng chính: Loại 1 lọc không khí bằng cách lọc ra các hóa chất, các loại khí hoặc các hạt trong không khí để giúp cho người sử dụng có không khí sạch để thở. Loại thứ 2 là cung cấp không khí có sẵn như các mặt nạ thợ lặn có bình khí. Loại thứ 2 này được sử dụng trong các môi trường hoàn toàn khép kín không có không khí để thở.
2 – Trang bị bảo vệ da : Bệnh da nghề nghiệp như viêm da tiếp xúc, ung thư da, tổn thương da, nhiễm trùng là bệnh nghề nghiệp phổ biến thứ 2 và chữa trị rất tốn kém. Các nguy cơ gây nguy hiểm tới da được chia làm 4 nhóm: Hóa chất (acid, kiềm…) gây bỏng da; vật lý (nhiệt độ cao, tia cực tím, bức xạ năng lượng mặt trời) có thể gây tổn hại cho da khi tiếp xúc quá lâu; chấn thương cơ học: xảy ra trong các hình thức của ma sát, áp suất như trầy xước, vết rách; Sinh học như ký sinh trùng, vi sinh vật, thực vật, động vật có thể gây những ảnh hưởng khác nhau khi tiếp xúc với da.
Bất cứ một trang bị bảo hộ lao động cá nhân nào được sử dụng như một rào cản giữa da và các tác động của môi trường làm việc đều được xếp vào nhóm này. Do nhiều công việc được thực hiện bằng tay nên găng tay bảo hộ lao động được coi là trang bị thiết yếu trong việc bảo vệ da. Có nhiều loại găng tay bảo hộ được sử dụng tùy theo từng ngành nghề riêng như : găng cao su, găng chống cắt, găng chịu nhiệt. Trong một số môn thể thao còn có các loại găng tay được thiết kế để giảm các chấn thương cơ học. Ngoài ra còn có các trang bị khác như áo khoác trong phòng thí nghiệm (blouse, áo công nghệ), tạp dề để bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ bị bắn hóa chất. Mạng che mặt để chống các mảnh vụn hoặc hóa chất bắn vào.
3 – Trang bị bảo vệ mắt: Hầu hết các chấn thương mắt có nguyên nhân do các vụn kim loại, gỗ, cát, thủy tinh bắn vào mắt. Bỏng hóa chất, tác nhân sinh học, bỏng nhiệt từ các nguồn như đèn hàn, tia cực tím cũng góp phần vào nguyên nhân chấn thương mắt.
- Kính bảo hộ (goggles): bảo vệ tốt hơn so với kính an toàn bình thường, có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chấn thương mắt từ hóa chất, tác động môi trường bụi bẩn và hàn.
- Mạng che mặt (face shield) bảo vệ toàn bộ khuôn mặt khỏi các tác động từ hóa chất, từ các mảnh vụn.
- Mặt nạ phòng độc: Vừa có thể bảo vệ mắt, giúp bảo vệ hệ hô hấp.
- Kính hàn: bảo vệ mắt trong nghề hàn, và phải chọn độ kính cho phù hợp với công việc.
4 – Trang bị bảo vệ thính giác: Tiếng ồn công nghiệp thường bị bỏ qua như một nguy cơ nghề nghiệp bởi nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Rất nhiều lao động tại Việt Nam đang tiếp xúc với nguy cơ điếc do tiếng ồn. Người lao động được khuyến cáo không được tiếp xúc với tiếng ồn tương đương 85db quá 8h để tránh mất thính lực do tiếng ồn. Trang bị bảo vệ thính giác là nút bịt tai và bịt tai giảm ồn.
Ngoài ra trang bị bảo hộ lao động cá nhân còn được phân chia theo ngành nghề của người sử dụng. Đây là hình thức trang bị bảo hộ bao gồm tất cả những thiết bị khác nhau được sử dụng để bảo vệ người lao động khỏi bị tổn hại. Ví dụ như Trang bị bảo hộ chống hóa chất sẽ gồm: quần áo chống hóa chất, mặt nạ chống acid hoặc gas, ủng chống hóa chất, găng tay chống hóa chất… Trang bị cho ngành điện sẽ có: Mũ nhựa cách điện, găng tay cách điện, giày ủng cách điện, sào cách điện, bút thử điện, guốc trèo cột điện, dây an toàn, thảm cách điện ….
Trước khi lựa chọn một bộ Trang bị bảo hộ lao động cá nhân ta phải đánh giá kỹ các nguy cơ tiềm năng trong công việc để có thể chọn lựa ra một bộ trang bị bảo hộ lao động phù hợp với mình.
(Minh Châu)
CÔNG TY TNHH BẢO HỘ LAO ĐỘNG UNISAFE VIỆT NAM
Lô 48 Khu Biệt thự 3 Bán đảo Linh Đàm, Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://baohoantoan.com nếu bạn sao chép nội dung này.
Mời các bạn xem thêm:
>> Thơ về bảo hộ lao động ( giải trí tại Unisafe Việt Nam)